Mụn Kích Ứng Khi Sử Dụng Đặc Trị

Gần đây, mình thấy một vài bạn hỏi dùng re/tre/bha/aha trên 3 tháng rồi mà không thấy giảm mụn, mụn thậm chí sần hơn lúc đầu, lên thất thường theo đợt đặc biệt là khi tăng tần suất đặc trị hoặc thêm hoạt chất điều trị.
Nếu bạn cũng đang thấy da mình như vậy, có thể nghĩ đến trường hợp da bạn đang kích ứng. Mình cần phân biệt rõ 2 trường hợp đẩy mụn và kích ứng để tránh trường hợp mụn tồi tệ hơn sau 1 thời gian dùng đặc trị. Nếu phát hiện da mình thuộc trường hợp kích ứng, nên tăng cường phục hồi, giảm tần suất đặc trị hoặc tạm ngưng để da ổn định lại nhé ạ.
Một vài biểu hiện của da lên mụn kích ứng:
- Nền da có biểu hiện đỏ, sần nhẹ.
- Da có thể rát, ngứa nhẹ. Biểu hiện này không rõ ràng, có bạn có bạn không nhé.
- Mụn lên ồ ạt nhiều hơn sau vài ngày sử dụng tần suất cao.
- Và dấu hiệu quan trọng nhất đó là nhìn hình thái mụn:
+ Mụn kích ứng thường có viền đỏ nhẹ xung quanh, mụn nước mủ nông trên bề mặt, mụn nhỏ li ti, cào nhẹ có thể ra nhân trắng nhỏ kèm nước, dịch.
+ Mụn lên theo mảng, sờ lần sần nhưng không rõ nhân. Chạm vào mụn có cảm giác ngứa, rát, đau nhẹ.
+ Mụn nông chứ không nằm sâu như mụn trứng cá thông thường.
+ Mụn cũng có thể là những mụn viêm kích thước trung bình nhưng không rõ nhân, chỉ sưng đau, đầu mủ nhỏ.
- Mụn sờ trên da rất sần sùi nhưng chụp ảnh lại không nhìn rõ mụn.
- Càng dùng tần suất cao da càng lên mụn nhiều hơn. Qua 1 đêm có thể lên vài mụn mới.
- Da sạm hơn hẳn so với cổ (do da tăng cường sản sinh melanin khi có phản ứng viêm), tiết dầu nhiều hơn, lỗ chân lông nở ra hơn.
- Mụn lên ở những vùng da trước đó không hề có mụn.
- Một số biểu hiện khác có thể thấy như: các dát bồng ban, nổi các mảng phù hoặc sẩn đỏ gờ cao như muỗi cắn, ngứa...hoặc khô da, bong vảy, thậm chí nứt nẻ ( thường những hiện tượng này sẽ gặp ngay sau khi bạn dùng đặc trị vài lần)
Làm gì khi gặp tình trạng này:
- Ngưng đặc trị và phục hồi nền da trở về trạng thái cân bằng, ưu tiên lựa chọn các thành phần như: HA, B5, chiết xuất rau má, peptide, ceramide, oat...
- Tạm nghỉ kem chống nắng, tẩy trang, toner làm sạch do đây cũng có thể là tác nhân làm da kích ứng thêm nặng hơn.
- Uống nhiều nước.
- Nếu tình trạng kích ứng nặng, có thể sử dụng thêm thuốc uống, thuốc bôi chống viêm, giảm kích ứng theo chỉ dẫn của bác sĩ.
- Thêm lại từ từ từng hoạt chất điều trị nếu như dùng nhiều hoạt chất đặc trị cùng lúc để biết mình kích ứng với hoạt chất nào sau khi da đã ổn định trở lại.
- Tối giản các thành phần đặc trị, không dùng chồng chất quá nhiều thành phần.
- Dùng lại tần suất thấp, 1 tuần 1-2 lần với từng hoạt chất. Nếu thử nhiều lần như vậy mà da vẫn tiếp tục lên mụn nhiều hơn thì bạn cần chọn sang nồng độ nhẹ hơn hoặc đổi hoạt chất điều trị nhẹ nhàng hơn nhé.
Hi vọng bài viết cho các bạn cái nhìn rõ hơn về mụn kích ứng, để dễ dàng phân biệt và đánh giá lại da, từ đó chọn được thành phần, nồng độ, tần suất đặc trị phù hợp da mình nhé.